Ngành giấy: Đầu tư manh mún, nhỏ lẻ

Trong những năm gần đây, ngành giấy Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ khoảng 10 – 12%/năm. Tuy nhiên, việc đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ; các rào cản về chính sách khiến cho ngành giấy vẫn lao đao.

Chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tổng sản lượng giấy xuất khẩu năm 2019 dự báo tăng 9,0%, mặt hàng trọng điểm sử dụng bao bì giấy có dư địa tăng hơn 10%, sử dụng giấy nội địa gia công thành phẩm xuất khẩu tăng mạnh. Đặc biệt là giấy bao bì sẽ tăng trưởng 15-18%/năm trong 5-10 năm tới. Với nhu cầu lớn đáng kể và vai trò đa dạng đối với kinh tế, sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng đều, tuy nhiên cơ cấu ngành giấy còn khá nhiều bất cập. Với giấy in và viết, năng lực sản xuất không tăng, sản xuất đã đạt 97% năng lực, nhưng vẫn phải nhập khẩu tới 483.000 tấn (chủ yếu là giấy in và giấy photocopy chất lượng cao), gấp gần 1,5 lần năng lực sản xuất hiện tại và nhu cầu vẫn tăng trưởng với mức 3%/năm.

Cục Công nghiệp cảnh báo, nhập khẩu giấy dự kiến sẽ không thay đổi hoặc giảm nhẹ, một số chủng loại sản lượng nhập khẩu vẫn tăng mạnh do trong nước chưa sản xuất được nhưng có nhu cầu lớn như giấy A4 photocopy chất lượng cao, giấy in báo, giấy lót tráng nhôm, giấy sản xuất bát và cốc…

Chia sẻ về thách thức của ngành giấy, ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) – cho biết, ngành giấy không được bảo hộ do hầu hết thuế nhập khẩu các loại giấy là 0%, trong khi Trung Quốc hiện vẫn duy trì thuế suất nhập khẩu 7% với hầu hết các loại giấy. Thị trường nguyên liệu giấy thu hồi (phế liệu) lệ thuộc nhiều vào tình hình và chính sách của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đầu tư FDI vào ngành giấy Việt Nam tăng rất nhanh trong 2 năm (2017, 2018) và hiện chiếm gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Dự kiến đến năm 2022, khi các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động, sản lượng của các doanh nghiệp FDI sẽ chiếm trên 60% sản lượng cả nước. Điều này tạo ra áp lực vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhiều khả năng thị trường sẽ chịu sự chi phối mạnh của các doanh nghiệp FDI.

Nút thắt cần tháo gỡ

Trước những khó khăn mà ngành giấy đang gặp phải, Cục Công nghiệp đề xuất giải pháp, trọng tâm là xây dựng chính sách để khuyến khích thu gom giấy loại trong nước, đơn giản hóa các thủ tục nhập khẩu giấy loại. Tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ về vốn đầu tư, thông tin truyền thông về thực tế sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường đối với các dự án sản xuất giấy bao bì nói chung và sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu OCC (giấy thùng carton cũ) nói riêng.

Đồng tình quan điểm trên, ông Hoàng Trung Sơn kiến nghị nhà nước cần coi công nghiệp sản xuất giấy và tái chế giấy là ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, do nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được (rừng trồng); sản phẩm sau sử dụng có thể tái chế 100%; các chất thải trong quá trình sản xuất (nước thải, khí thải, chất thải rắn…) đều có thể được xử lý triệt để bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường… “Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích hoạt động thu gom tái chế giấy và sớm ban hành Luật Tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên, vì đây là hoạt động bảo vệ môi trường. Tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sử dụng giấy đang tăng nhanh” – ông Hoàng Trung Sơn kỳ vọng.

Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng vùng rừng nguyên liệu phù hợp, năng suất chất lượng cao, với lợi thế so sánh theo vùng, miền nhằm chủ động cung cấp đủ, ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Cục Công nghiệp khẳng định, cần tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 làm cơ sở, định hướng cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của ngành giấy để phát triển cân đối, đúng hướng và bền vững.

Trả lời